Nguy cơ dị ứng và cách chăm sóc da khi đeo găng tay cao su

Găng tay cao su đóng vai trò khá quan trọng trong bảo vệ đôi tay người dùng trước những tác hại đến từ bên ngoài như vi khuẩn, hóa chất, tác động vật lý… Tuy nhiên, với một số người dùng, đeo găng tay lại khiến chính họ xảy ra các phản ứng dị ứng, kích ứng trên làn da tay. Nguyên nhân nào dẫn đến các yếu tố gây dị ứng và làm thế nào để hạn chế? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!

Thực trạng dị ứng khi dùng găng tay cao su

Các bệnh lý về da thường gặp khi đeo găng tay

Khi đeo găng tay, một số người dễ mắc phải một số bệnh lý về da mà chúng ta thường gọi chung là dị ứng. Tuy nhiên, các phản ứng dị ứng này xảy ra được phân làm hai nhóm: viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng với cao su hoặc latex. Đây là hai bệnh lý về da thường gặp nhất khi người dùng sử dụng găng tay cao su thường xuyên và trong thời gian dài.

Ai là người có nguy cơ dị ứng

Đối tượng có nguy cơ bị dị ứng găng tay cao nhất là những người đeo găng tay cao su thường xuyên và trong thời gian dài để làm việc như nhân viên y tế, nhân viên phòng thí nghiệm, công nhân trong các ngành chế biến thực phẩm, máy móc cơ khí… Bên cạnh đó, những ai có tiền sử dị ứng với cao su hoặc có làn da đặc biệt nhạy cảm cũng có nguy cơ cao bị kích ứng da. Ngoài ra, theo những thống kê y tế, những người có bệnh chàm bàn tay, người bị tật nứt đốt sống hay phẫu thuật bàng quang nhiều lần có nguy cơ dị ứng latex cao hơn.

Các biểu hiện của dị ứng

Biểu hiện thường thấy khi bị kích ứng da và dị ứng cao su là phát ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu và sưng nề ở vùng da tiếp xúc. Ví dụ như bàn tay đeo găng bị nổi mẩn đỏ, nổi bóng nước.
Trường hợp bị dị ứng với latex hay protein latex, biểu hiện thường xuất hiện trong khoảng từ vài phút đến một giờ sau khi tiếp xúc với cao su tự nhiên. Các triệu chứng có mức độ từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào cơ địa, lượng latex tiếp xúc và mức độ phản ứng của từng người. Bên cạnh các biểu hiện trên thì phản ứng dị ứng có thể lan rộng sang các vị trí khác trên cơ thể như mặt, quanh mí mắt và môi. Đồng thời, có khả năng xuất hiện hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, thậm chí dẫn đến sốc phản vệ.

Nguyên nhân gây ra dị ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng khi đeo găng tay cao su xuất phát từ việc da bị hầm bí khi đeo găng, xà phòng và các chất tẩy rửa chưa được rửa sạch hoàn toàn trước khi mang găng. Viêm da tiếp xúc dị ứng với cao su (quá mẫn type IV) và dị ứng với latex (quá mẫn type I) xảy ra do phản ứng quá mẫn type I với protein latex trong mủ cao su tự nhiên. Protein latex có trong găng tay hay bột găng tay cao su cũng gây ra các triệu chứng dị ứng.

Tuy nhiên, với găng tay làm từ cao su tổng hợp, các hóa chất được thêm vào trong quá trình sản xuất cao su tổng hợp như carbamate, thiuram và mercaptos cũng có thể gây ra dị ứng. Tuy nhiên, triệu chứng viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra chậm hơn trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Các triệu chứng thường thấy là phát ban đỏ, nổi mẩn ngứa.

Cách xử lý khi bị dị ứng và chăm sóc da khi đeo găng tay

Cách xử lý khi bị dị ứng

Khi xuất hiện các triệu chứng cho thấy da bị kích ứng hay dị ứng, cần dừng ngay việc sử dụng găng tay, rửa sạch tay và để cho da được “thở”. Bạn có thể dùng steroid bôi vùng da bị kích ứng; dùng kháng sinh bôi nếu có bội nhiễm. Vùng da bị tổn thương cần có thời gian để lành lại trước khi tiếp tục đeo găng và làm việc. Tuy nhiên, với các phản ứng viêm da nặng hơn, cần gặp bác sĩ da liễu để có những tư vấn, chữa trị kịp thời.

Các biện pháp dự phòng & chăm sóc da

Để hạn chế kích ứng, nên làm khô tay hoàn toàn trước khi mang găng tay, tránh để bàn tay ẩm ướt, hầm bí dẫn đến tổn thương da tay. Khi rửa tay dùng các chất tẩy rửa nhẹ dịu không chứa xà phòng, nên dùng các sản phẩm nước rửa tay nhanh chứa cồn (> 60% ethanol hoặc 70% isopropanol). Trước và sau khi mang găng làm việc, nên bôi kem dưỡng ẩm tốt nhất là các loại dưỡng ẩm có chứa ceramide. Lưu ý không nên đeo nhẫn hay các loại phụ kiện khác khi mang găng tay vì các hoá chất gây kích ứng da có thể đọng lại dưới những đồ vật này sau khi rửa tay.

Với trường hợp bị dị ứng với cao su tự nhiên và bột trong găng tay, có thể chọn các giải pháp thay thế. Thông thường, hai loại thay thế găng tay latex tốt nhất là găng tay nitrile, được làm từ cao su tổng hợp và găng tay vinyl, được làm từ nhựa PVC. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, găng tay nitrile được xem là giải pháp thay thế tối ưu nhất khi chúng sở hữu những đặc tính bảo vệ vượt trội hơn, đồng thời giảm thiểu tối đa khả năng gây dị ứng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *